Từng có không dưới 30 lần thất bại, gây nợ hàng tỷ đồng, hiện tại, Giáp Văn Đại đã làm rạng danh Việt Nam trên cộng đồng quốc tế khi xây dựng thành công Nami Assistant - Trợ lý ảo đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực tài chính. Dựa trên nền tảng công nghệ lõi Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (AI), Nami đạt giải thưởng Facebook Hackathon toàn cầu và hiện có hơn 70.000 người dùng khắp thế giới.
PV: Anh có thể chia sẻ đôi chút về thành tựu trong công việc hiện tại?
Hiện tại, anh đang tiếp tục phát triển Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ cao toàn cầu PFM Global trở thành công ty hàng đầu trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, mang lại giải pháp giảm thiểu tối đa tổn hao cho con người về tâm lý, thời gian, công sức khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Về thành tựu, có thể nhắc đến Nami Assistant – Trợ lý chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực tài chính, và sau này là sản phẩm kế thừa Nami.Trade - sàn giao dịch sử dụng công nghệ Blockchain và không có mức phí chêch lệch đầu tiên trên thế giới. Nami hiện có khoảng 70.000 người sử dụng trên thế giới, đã đạt 2 giải thưởng của VPBank và 1 giải thưởng Hakathon của Facebook.
Nami Assistant được xây dựng trên nền tảng Messenger Facebook. Đây được xem là "Siri" hoặc "Cortana" của lĩnh vực tài chính, giúp người dùng cập nhật biến động thị trường ngoại hối, tiền điện tử... mọi lúc mọi nơi.
Tiếp nối sự phát triển của Nami Assistant, Công ty đang phát triển Hệ sinh thái Nami gồm 9 kênh (Nami Trade, Nami Today, Nami TV, Nami Assistant, Nami Labs…) và hiện có người dùng tại Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga... Công ty đang tăng trưởng, và sở hữu các văn phòng ở Hà Nội, TP.HCM, Singapore, California (Mỹ).
Về nguyên tắc kinh doanh, Nami Corp cam kết sẽ chỉ nghiên cứu, sáng tạo nên những giải pháp chưa từng có trên thế giới, và Nami cũng là một trong số đó. Có thể nói, chiếm khoảng 70% đến 80% cho sự thành công và giúp anh khác biệt với hầu hết những người chỉ làm về tài chính khác, đó là nhờ kiến thức lập trình.
PV: Vì sao anh quyết định chọn ngành Lập trình trong khi anh thích ngành Tài chính từ thời học Phổ thông?
Anh không chắc có phải gọi là đam mê không, nhưng anh nghĩ mình có một chút tố chất phù hợp với ngành, cũng như những giá trị thực tế mà ngành học mang lại, nghĩa là đam mê ấy giải quyết được vấn đề nào đó cho cuộc sống.
Cho đến bây giờ, với anh, lập trình là ngành thú vị nhất, giúp tạo ra được nhiều cái mới có giá trị công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng đời sống. Khi có kiến thức lập trình, sẽ có cơ sở để giải quyết các bài toán phục vụ nhu cầu con người. Càng biết nhiều kiến thức lập trình, càng có nhiều lời giải cho một bài toán. Với lập trình, anh có thể tận dụng tối đa năng lực bản thân, đồng thời, chứng minh được giá trị của mình nói riêng và người Việt nói chung trên trường quốc tế.
PV: Quyết định chọn ngành lập trình và lấy bằng quốc tế mà không phải ngành tài chính hay hệ đào tạo đại học, có quá mạo hiểm? Anh có khuyến khích các bạn trẻ lựa chọn giống như mình?
Việc chọn đại học chỉ thể hiện sự kiên nhẫn trong 4-5 năm học, cũng như lợi ích có được công việc ổn định ở tương lai (dĩ nhiên vẫn tuỳ người). Trừ khi các bạn trẻ học tập ở những trường đại học nổi tiếng tại nước ngoài, được trải nghiệm đầy đủ về lý thuyết lẫn thực tiễn, thì như vậy, anh khuyến khích các bạn nên học đại học.
Về phần mình, trước giờ anh chưa từng có ý định thi đại học, mà nếu thi thì chắc chắn cũng trượt (cười). Anh không thuộc tính cách có thể ngồi “lỳ” 4-5 năm ở một ngôi trường, nên không có gì gọi là mạo hiểm lắm. Vì anh tin 4-5 năm đại học cũng là để giúp mình có hành trang tốt hơn khi bước ra cuộc sống, mà học ở đâu đều giúp anh tích luỹ được hành trang ấy, và rõ ràng Aptech cũng vậy.
PV: Lời khuyên của anh cho các bạn trẻ muốn thành công trong lĩnh vực lập trình và khởi nghiệp?
Ngành lập trình trong khoảng 15 năm trở lại đây chưa bao giờ hết nóng. Nhưng dĩ nhiên nó vẫn chỉ dành cho những người biết tự nỗ lực. Về kinh nghiệm tiến bộ trong lập trình, các bạn hãy tập lối suy nghĩ “out of the box”. Mỗi khi biết được một điều gì đó hay ho, hãy thử suy nghĩ, với những lợi ích nó hỗ trợ, ta có thể thử làm được điều gì mà không phải nằm trong bài tập về nhà, hay sách vở. Hãy đi từ thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn khi anh mới bắt đầu học ở Aptech kỳ I, thì anh đã code ra một hệ thống riêng giúp anh giải quyết nhanh các bài toán rủi ro trong tài chính mà anh đang gặp phải. Đó là một ví dụ.
Và lời khuyên chung của anh khi các bạn định khởi nghiệp là: Đừng “Nhìn con vịt bơi, nghĩ nước nó cạn” và “Coi tiền là kết quả, chứ đừng là mục đích”. Như vậy, các bạn sẽ có tầm nhìn và định hướng đúng để phát triển được tất cả những gì mình có.
PV: Cảm ơn anh vì những chia sẻ đáng giá. Chúc anh sớm thực hiện thành công trong những mục tiêu và dự định sắp tới!